Đưa học sinh, sinh viên trở lại trường: Cần có kịch bản dạy học linh hoạt

VHO- Vừa qua, Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ 11 về Công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tổ chức hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Đưa học sinh, sinh viên trở lại trường: Cần có kịch bản dạy học linh hoạt - Anh 1

 Phiên họp thứ 11 của Quốc hội

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp, đã ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Đánh giá công tác đưa học sinh quay trở lại trường còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên, Phó Chủ tịch khẳng định: “Không vì thế mà làm gián đoạn quá trình mở cửa lại trường”.

Tại phiên họp, ý kiến các nhà quản lý, đại diện giáo viên, các chuyên gia đều cho rằng việc mở cửa trường học, đưa học sinh đi học trở lại là hết sức cần thiết. Các ý kiến đều nhấn mạnh, phải tìm mọi cách tốt nhất trong điều kiện có thể, để học sinh đến trường. Phải truyền thông, tuyên truyền để cha mẹ học sinh phân định rõ giữa lợi ích và rủi ro khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Việc để học sinh nghỉ học kéo dài ở nhà gây nên những hệ lụy rất lớn, nhất là đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Báo cáo tại phiên làm việc của Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tránh đứt gẫy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Bộ cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở cửa trường học trở lại an toàn. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là “kiên quyết, khẩn trương và chu đáo” để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp trong thời gian sớm nhất.

Đưa học sinh, sinh viên trở lại trường: Cần có kịch bản dạy học linh hoạt - Anh 2

Hình ảnh học sinh trở lại trường

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương trong cả nước về công tác mở cửa trường học trở lại. Nhìn chung, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt; được xã hội, nhà giáo, phụ huynh và các chuyên gia ủng hộ, đồng tình và được đánh giá là đúng lúc, kịp thời. Bộ GD&ĐT cũng đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục, thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sang chấn tâm lý khi học sinh đến trường học trực tiếp. Nhất là hiện nay, theo khảo sát tại một số trường đại học, đã xuất hiện tâm lý ngại đến trường của một bộ phận sinh viên.

Bên cạnh sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết tâm của toàn ngành và của các địa phương, việc mở cửa trường học cũng gặp một số khó khăn như số F0 là giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp tục gia tăng. Đặc biệt là một bộ phận phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con em đi học trở lại trực tiếp, nhất là đối với lứa tuổi mầm non và tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc xin). Cùng với đó, nhân lực y tế học đường còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị y tế, vệ sinh khử khuẩn trong các cơ sở giáo dục còn thiếu.

Để công tác mở cửa trường học trở lại thực sự an toàn và có chất lượng, Bộ GD&ĐT kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ đối với Quốc hội, Chính phủ, nhất là cần phải ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, giáo dục thường xuyên ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ mầm non, tiểu học đến trường đảm bảo an toàn. Quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, việc xác định F0, F1 và các biện pháp cách ly, thời gian cách ly cần được thống nhất và phù hợp với thực tế diễn biến dịch bệnh hiện nay.

Nhấn mạnh việc mở cửa trường học cần được chuẩn bị, tổ chức tiến hành một cách linh hoạt, an toàn, đảm bảo yêu cầu phòng dịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cần phải đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội để thời gian tới thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho đối tượng học sinh từ 5-11 tuổi. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc